Điển hình như ngân hàng Agribank vừa có thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản đảm bảo gồm 6.923 thùng rượu vang các loại xuất xứ từ Ý, Pháp, Chile và 1.500 chai rượu vang Ý.
Lô rượu trên làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH MTV Hai Thanh có trụ sở chính tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ngân hàng cũng đính kèm thông tin rất chi tiết về các loại rượu sẽ được đem đấu giá. Giá bán khởi điểm của hai lô rượu nói trên là hơn 17 tỉ đồng, trong đó đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, còn chi phí vận chuyển, bốc xếp và các chi phí khác có liên quan do bên trúng đấu giá chịu. Mỗi bước giá trong phiên đấu giá được quy định là 50 triệu đồng.
Một khoản nợ khác cũng khá đặc biệt được ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng đều thất bại. Đó là trường hợp của Agribank trong việc xử lý món nợ của Công ty CP sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco (Tracimexco).
Theo đó, gần 2,5 triệu cổ phần của doanh nghiệp nêu trên được đem đấu giá. Tuy nhiên, việc đấu giá khó suôn sẻ vì doanh nghiệp này đang làm thủ tục giải thể.
Phía ngân hàng cho biết giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Tracimexco đã bị thu hồi theo quyết định số QDTH/10003628 ngày 19-3-2020 của Phòng đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Kạn.
Chưa kể phía công ty này vẫn còn các khoản phải thanh toán như tiền thuê đất và các nghĩa vụ khác phải thanh toán theo bản án, quyết định của tòa án.
"Tracimexco có thể phải thực hiện thủ tục giải thể do giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi, các khoản nợ của công ty với các bên liên quan, các khoản nợ thuế và các nghĩa vụ tài chính phải thực hiện với cơ quan nhà nước...", ngân hàng cho biết.
Nói với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp cho biết trong các loại tài sản thế chấp, cổ phần, phần góp vốn vào doanh nghiệp là một trong những loại tài sản phức tạp, nhiều rủi ro.
Đặc thù của loại tài sản này là có giá trị biến động nhanh, liên tục theo thị trường và tình hình sức khỏe doanh nghiệp. Với cổ phần của một doanh nghiệp sắp giải thể, khó có khả năng vực dậy, rất khó để hấp dẫn người mua.
Không chỉ cổ phần doanh nghiệp sắp giải thể, thời gian qua nhiều ngân hàng cũng phải tiến hành thủ tục rao bán nhiều khoản nợ với dư nợ gốc rất thấp chỉ vài ngàn đồng hoặc vài chục ngàn đồng, không có tài sản đảm bảo.
Theo thông báo từ VietinBank, ngày 28-6 là ngày cuối cùng để đăng ký mua các khoản nợ vay tiêu dùng đối với danh sách 466 khoản nợ có giá trị gần 9 tỉ đồng của ngân hàng này.
Trong danh sách này, nhiều khoản nợ vay tiêu dùng gồm cả gốc, lãi và lãi phạt lên hàng triệu đồng, nhưng cũng có khoản nợ chỉ hơn 40.000 đồng.
Tất cả các khoản nợ này đều không có tài sản bảo đảm. Ngân hàng cho biết có thể bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả trong danh sách.
Trước đó, theo thông báo hồi tháng 3 năm nay, trong danh sách hàng trăm khoản nợ tín dụng được đem bán, có khoản nợ thậm chí chỉ hơn 2.000 đồng.
Đặc biệt, có ngân hàng từng rao bán khoản nợ của công ty bất động sản lên tới gần 6 tỉ đồng. Nhưng trong số đó, số nợ gốc chỉ 8 triệu đồng, còn lại là nợ lãi phát sinh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo cấp phòng tại một công ty chuyên xử lý nợ xấu cho biết với nhiều tài sản đảm bảo, dù biết khả năng thanh khoản thấp nhưng vẫn phải tiến hành thủ tục rao bán. Theo đó, để làm các bước sau trong quy trình xử lý nợ xấu, rao bán công khai là thủ tục không thể thiếu.